Yếu tố thiếu bền vững nhất của ngành cà phê

23/03/2015  

(TBKTSG Online) - Mất 173 đô la Mỹ/tấn trong tuần trước, tuần này giá kỳ hạn robusta lấy lại được 112 đô la/tấn.

Giá nội địa từ mức thấp nhất niên vụ là 35 triệu đồng/tấn nay tăng lên lại 37,5 triệu đồng/tấn. Tuần trước giá xuống, người có hàng trong tay cho đó là chuyện rủi. Nay giá tăng, “quá may”! Năm ngoái kim ngạch xuất khẩu cà phê trên 3,5 tỉ đô la, lẽ nào chỉ tin vào may rủi!

Biểu đồ: Diễn biến giá robusta sàn kỳ hạn Ice châu Âu trong tháng 3-2015 (tác giả tổng hợp)

Giá tăng chưa đạt kỳ vọng

Sau khi chạm mức thấp nhất 35 triệu đồng/tấn tính từ ngày đầu niên vụ 1-10-2014 đến nay vào cuối tuần trước, giá cà phê nguyên liệu một số nơi tại các tỉnh Tây Nguyên quay đầu tăng nhanh và dừng ở mức 37,5 triệu đồng/tấn vào sáng nay 21-3-2015.

Giao dịch trên thị trường nội địa diễn ra chậm chạp do người còn giữ hàng chưa thể bán được vì nông dân chê giá thấp và các đại lý thu mua không chấp nhận thua lỗ do giá đầu vào cao hơn mức thị trường hiện nay. Trước đây, do giá cà phê trong nước ở thời điểm đầu vụ bất ngờ tăng lên 41 triệu đồng/tấn, một số cư dân trong vùng và các thành phần kinh tế khác tưởng giá còn tăng, đua nhau mua trữ hàng như một kênh đầu tư, nay giá chưa đạt phải “ngậm” và chờ cơ hội mới.

“Lên 40 triệu đồng/tấn mới tính tới chuyện mở kho”, chị Hương, một người có 2 héc-ta cà phê tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng cho biết. “Trước đây, giá kỳ vọng của tôi là 41 triệu đồng/tấn, nay chắc phải nghĩ lại, nếu 40 triệu đồng/tấn, tôi có thể bán ra đôi chút để bảo đảm an toàn”, một đại lý thu mua tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai dịu giọng nói.

Giá xuất khẩu căng, hàng đi ít

Trong khi đó, giá xuất khẩu loại 2,5% đen bể giao hàng qua lan can tàu (FOB) tính trên mức chênh lệch giữa giá niêm yết và cảng giao hàng đang được chào quanh mức cộng 10/20 đô la/tấn FOB nhưng các nhà nhập khẩu vẫn chê đắt và đang trả quanh mức trừ 40/50 đô la/tấn dưới giá niêm yết sàn kỳ hạn robusta tại châu Âu, hai bên mua bán chưa gặp nhau do chênh lệch khá xa, từ 50-70 đô la/tấn.

Tổng cục Hải quan ước nước ta chỉ xuất khẩu 92.243 tấn cà phê trong tháng 2-2015, giảm 30,3% so với tháng đầu năm. Khối lượng này trong tầm dự đoán của thị trường vì đấy là tháng Tết. Lũy kế 5 tháng đầu niên vụ 2014/15, cả nước chỉ xuất khẩu 519.800 tấn, giảm 14% so với cùng kỳ vụ trước.

Một câu hỏi đặt ra là mua bán giao dịch ít khi giá dưới 40 triệu đồng/tấn, xuất khẩu vẫn đều dù không nhiều. “Từ nhiều ngày nay, hàng mua mới không mấy. Hàng xuất khỏi cảng thường là hàng lưu kho hay hàng gởi chưa có giá cuối cùng nhưng người ta vẫn xuất,” một thủ kho làm việc cho một công ty nước ngoài có kho tại Bình Dương không muốn nêu tên cho hay.

Hàng tồn kho đạt chuẩn tăng  

Dù hàng đi không nhiều, tồn kho robusta đạt chuẩn thuộc sàn kỳ hạn châu Âu vẫn tăng đều.

Báo cáo thống kê định kỳ của sàn kỳ hạn robusta châu Âu cho biết tính đến hết ngày 16-3, tồn kho đạt chuẩn có giấy chứng nhận được phép đấu giá trên sàn kỳ hạn đạt 163.650 tấn, tăng 6.210 tấn so với kỳ trước cách đấy 2 tuần. Trong khi đó, tồn kho đạt chuẩn arabica New York đến ngày 19-3 đạt mức 136.820 tấn. Theo giá thời điểm, giá trị tồn kho đạt chuẩn của cả hai sàn lên đến gần 740 triệu đô la Mỹ.

Việt Nam thường là nước cung cấp khối lượng cà phê robusta đạt chuẩn lớn nhất cho sàn kỳ hạn châu Âu. Nhưng thời gian qua, vị trí này đã nhường lại cho Brazil. Một số khách hàng giàu có thiên về kinh doanh tài chính thay vì mua hàng bán cho rang xay, đã chuyển sang trữ hàng trên sàn để kiếm cơ hội siết giá khi cảm thấy lượng tồn kho đủ để gây sức ép lên giá, tạo nên những đợt thiếu hàng giả tạo. Đây chính là nguồn gốc của các tin đồn được/mất mùa, mưa nhiều nắng ít… để trục lợi. Khi làm chủ được lượng hàng này, họ tạo nên những đợt co giật giá nhằm đánh bạt những nhà kinh doanh xuất nhập khẩu nhỏ lẻ, yếu năng lực tài chính để khuynh đảo thị trường.  

Kinh doanh cà phê thiếu bền vững

Đấy phải chăng là nguồn gốc các yếu tố thiếu bền vững nhất của ngành cà phê hiện nay, nhất là từ khi các sàn hàng hóa thế giới bị đầu cơ xoay hướng về kinh doanh tài chính nhiều hơn. Nói như ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê & Ca cao trong một cuộc họp mới đây tại thành phố Buôn Ma Thuột rằng “chỉ có chừng 2% hàng thực được mua bán trên sàn, còn 98% còn lại là hàng ảo”.

Trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2015, tại “Hội nghị Phát triển Bền vững ngành Cà phê Việt Nam”, Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát chỉ ra các yếu tố thiếu bền vững của ngành cà phê, trong đó giá và thị trường phụ thuộc rất nhiều vào người khác.

Các diễn giả tại hội nghị cho biết nước ta hiện có chừng 620.000 héc-ta cà phê với sản lượng hàng năm trên 1,6 triệu tấn. Cây cà phê là nguồn thu chính của hơn 500 ngàn hộ dân và tạo việc làm cho hơn 1,6 triệu lao động. Không chỉ vậy, nguồn thu của nhiều tỉnh ở Tây Nguyên phụ thuộc rất lớn vào cây cà phê.

Thật ra, mất mùa thất bát sản lượng cà phê ảnh hưởng không lớn vì nhìn chuỗi dài phát triển, chưa đầy 40 năm từ khi đất nước hoàn toàn thống nhất, sản lượng cà phê nước ta từ vài chục ngàn tấn mỗi năm nay sản lượng đã lên con số triệu. Nhưng đồng đô la Mỹ được giá hay mất giá là ảnh hưởng tiêu cực hay tích cực đến chén cơm người nông dân cà phê Việt Nam, và một loạt yếu tố khác của thị trường tài chính có thể gây ảnh hưởng bất lợi đến kinh tế-xã hội của cả vùng Tây Nguyên.

Nên chăng chọn một cách tiếp cận thị trường khác, chơi với ai, kinh doanh với ai, mua bán cách nào để hạt cà phê phát huy tối ưu lợi nhuận và lâu bền, đó là bài toán cần giải pháp ưu tiên.

Thật thế, chỉ trong vòng nửa tháng, giá cà phê nội địa và thế giới “lượn lờ” một cách trêu ngươi, không ai trị được. Tuần trước, giá mất 173 đô la/tấn thì đến tuần này tăng lại 112 đô la/tấn, đóng cửa sàn kỳ hạn robusta khuya hôm qua 20-3 chốt mức 1.820 đô la/tấn (xin xem biểu đồ), vẫn mất chừng 350 đô la/tấn so với đỉnh giá kỳ hạn trong niên vụ này.

    Tên của bạn *
    Email người nhận *
    Thông điệp của bạn