Cà phê: nếu được mùa có nên lo mất giá?
Biểu đồ: Diễn biến giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta trong tháng 7-2014 (tác giả cập nhật) |
Lận đận với sàn kỳ hạn robusta
Tuần qua, sàn kỳ hạn arabica tại New York có những phiên tăng cực mạnh, như ngày 18-7 đóng cửa tăng 8,55 xu/cân Anh (cts/lb) và ngày 23-7 tăng 8,30 cts/lb hay tương ứng với 188 đô la/tấn và 183 đô la/tấn, do chộn rộn chuyện mất mùa arabica tại Brazil.
Cứ tưởng giá sàn kỳ hạn tại Mỹ tăng sẽ kéo theo giá robusta tại London tăng để đưa giá cà phê trên thị trường nội địa lên. Đáng tiếc, không phải thế, giá robusta lận đận một cách bất thường. Phải chăng do tin đồn robusta được mùa?
Chốt phiên cuối tuần hôm qua 26-7, giá kỳ hạn robusta London đứng ở mức 2.016 đô la/tấn, giảm so với ngày trước đó 16 đô la/tấn nhưng may cả tuần còn tăng được 15 đô la/tấn (xin xem biểu đồ trên). Giá arabica tại sàn New York đóng của phiên cuối tuần ở mức 178,30 cts/lb, cả tuần tăng 6,75 cts/lb hay 149 đô la/tấn.
Giá cà phê nhân xô trên các tỉnh Tây Nguyên có lúc xuống mức 38,5 triệu đồng/tấn, để rồi sáng nay thứ Bảy mất luôn mốc 39 triệu đồng/tấn của cuối tuần trước, nằm quanh mức 38,8 triệu đồng/tấn.
Lượng mua bán không nhiều vì giá nội địa thấp. “Sở dĩ có tình trạng giá đóng cửa kỳ hạn cao hơn tuần trước nhưng giá nội địa xuống vì phía người mua đang trả giá xuất khẩu tính theo giá chênh lệch giữa giá sàn London và giá FOB (giao qua lan can tàu) giãn ra,” giám đốc một công ty xuất khẩu cà phê đóng tại thành phố Buôn Ma Thuột cho biết.
Cà phê robusta loại 2,5% đen bể đang được trả mức trừ 55-65 đô la/tấn dưới giá niêm yết, so với mấy tuần trước đây chỉ trừ 30 đô la/tấn. Độ giãn 25-35 đô la/tấn này là nguyên nhân làm giá nội địa xuống thấp dù giá kỳ hạn tăng cao hơn tuần qua 15 đô la/tấn.
Tồn kho robusta lại tăng
Biểu đồ: Tồn kho đạt chuẩn thuôc sàn kỳ hạn robusta Ice Liffe London (nguồn: Liffe-SocGen) |
Tính đến hết ngày 21-7, sàn robusta Ice Liffe London cho biết đã cấp giấy chứng nhận chất lượng đạt chuẩn theo qui định của sàn cho 75.900 tấn, tăng 7.060 tấn so với cách đấy hai tuần (xin xem biểu đồ trên – cột màu hồng biểu thị số lô - 10 tấn x lô - và cột màu đỏ là số lượng bao -60 kg x bao).
Tại sàn arabica, lượng tồn kho đạt chuẩn chất lượng đến hết ngày 25-7 đạt mức 2.476.175 bao, tức 164.770 tấn, cao hơn gấp đôi lượng robusta.
Có nên quá lo khi nghe tin đồn được mùa?
Một thăm dò ý kiến về tình hình cung-cầu cà phê thế giới được hãng thông tấn Reuters tiến hành với một số chuyên gia và nhà kinh doanh đã đưa ra ước báo rằng niên vụ từ tháng 10-2014 đến 9-2015, sản lượng cà phê Brazil đạt chừng 49 triệu bao (60 kg x bao) và Việt Nam khoảng 27,5 triệu bao. Trên cơ sở con số sản lượng ấy, kết quả thăm dò cho rằng thế giới có thể thiếu chừng 4 triệu bao. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, tồn kho từ vụ cũ mang sang tại các nơi, kể cả các nước tiêu thụ, có thể cáng đáng phần thiếu hụt. Thế giới có thiếu chăng là thiếu cà phê arabica loại chế biến ướt, thơm ngon, song hy vọng nguồn arabica chế biến ướt từ Colombia sẽ làm dịu tình hình thiếu hụt loại này. Hạn hán Brazil đã làm cho kích cỡ hạt cà phê nhỏ và chất lượng kém.
Tuy nhiên, khiếm khuyết chỗ này lại là ưu điểm chỗ khác: robusta chất lượng cao có cơ hội lên ngôi nay mai. Hiện nay, Việt Nam có nhiều cơ sở cà phê chế biến ướt, chất lượng tốt, rang xay nhiều nơi đã từng mua với mức cao hơn giá kỳ hạn vài ba trăm đô la mỗi tấn để thay thế một phần thiếu hụt của cà phê arabica.
Với sản lượng không đến nỗi kém, theo thăm dò, giá trên các sàn kỳ hạn sẽ không ảnh hưởng lắm. Kết quả chung từ ý kiến của các chuyên gia cho rằng đến cuối năm nay, giá kỳ hạn arabica New York có thể ở mức 180 xu/cân Anh (cts/lb) và giá robusta London ở mức 2.075 đô la/tấn. So với giá ngay thời điểm hiện tại, dự báo không chênh lệch bao nhiêu.
Tại một thăm dò khác do hãng thông tấn Bloomberg thực hiện, kết quả ước rằng niên vụ tới nước ta sẽ đạt sản lượng 1,87 triệu tấn, tăng 8,7% so với hiện nay và là niên vụ có sản lượng cao nhất từ trước tới nay.
Theo cái nhìn của giới chuyên môn, nếu như sản lượng Việt Nam tăng trong khi các nơi mất mùa do khô hạn và sâu bệnh như tại Nam Mỹ, cây cà phê đang bị bệnh thối lá hoành hành, thì đây sẽ là cơ hội tăng thêm vị thế của cà phê Việt Nam trên trường thế giới.
Nhiều người đang lo lắng vì sợ nói được mùa, giá sẽ giảm. Một số chuyên gia cho rằng cung-cầu chỉ là một trong rất nhiều yếu tố làm nên giá cả trên thị trường. Một khi đầu cơ tài chính nhảy vào sàn, họ chẳng cần biết đâu dư đâu thiếu cà phê. Thật vậy, họ chỉ cần bơm tiền vào hay rút tiền khỏi sàn, giá sẽ tăng hay giảm mạnh.
Nguyễn Quang Bình | |
Thứ Bảy, 26/7/2014, 10:32 (GMT+7) |
- PV OIL điều chỉnh giá bán lẻ, bán buôn xăng dầu từ 15h00 phút, ngày 03/10/2015 05/10/2015
- Giá xăng dầu 28/03/2015
- E5 giảm 320 đồng, giá xăng khác giữ nguyên 06/02/2015
- Giá nông sản tại Việt Nam tuần 27-31/10/2014 03/11/2014
- Giá xăng dầu giảm tiếp từ 30-160 đ/lít 10/09/2014
- Xuất khẩu tiêu sang Mỹ tăng hơn 25% về khối lượng 25/08/2014
- Hỗ trợ vay vốn mua máy móc thiết bị 24/07/2014
- Hạt Điều VN 22/07/2014
- Giá vàng và giá Đô la 08/07/2014
- Giá cà phê cuối tháng tăng tưng bừng 01/07/2014