Tồn trữ cà phê Việt Nam thấp nhất kể từ 2011

14/09/2014  

Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường thế giới đang thiếu cà phê.

Người trồng cà phê Việt Nam có thể chỉ còn giữ lượng cà phê ít nhất trong vòng 3 năm bởi giá tăng mạnh gần đây khích lệ họ bán mạnh. Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường thế giới đang thiếu cà phê.

 

Theo kết quả điều tra ở 10 thương gia do hãng Bloomberg tiến hành, ước tính đến cuối tháng 8 nông dân Việt Nam chỉ còn tồn trữ lượng cà phê tương đương khoảng 5% tổng sản lượng vụ này, trong khi tỷ lệ này cùng kỳ năm ngoái là khoảng 10%. Đây là tỷ lệ thấp nhất kể từ 2011. Bên cạnh đó, sản lượng có thể giảm 3% xuống 1,65 triệu tấn trong năm bắt đầu từ tháng 10, tương đương 27,5 triệu bao loại 60 kg.

 

Giá cà phê robusta kỳ hạn trên thị trường London đã tăng 23% trong năm nay do đồn đoán tiêu thụ sẽ vượt cung trên phạm vi toàn cầu. Theo Volcafe Ltd, khối lượng thiếu cung robusta sẽ vào khoảng 1,9 triệu bao, còn thiếu cung arabica vào khoảng 6,9 triệu bao trong khoảng thời gian 12 tháng tính từ tháng 10. Các hãng sản xuất đồ uống đã phải tăng cường mua robusta giá rẻ sau khi giá arabica tăng quá cao, khiến chênh lệch giá giữa 2 loại tăng gấp 3 lần trong năm nay.

 

Ngân hàng Rabobank dự báo “Giá cà phê robusta kỳ hạn trên sàn London sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi rủi ro thời tiết ở những quốc gia sản xuất arabica”. Ngân hàng này dự báo giá robusta sẽ trung bình 2.000 USD/tấn trong quý III năm nay, và quanh mức 1.900 USD/tấn trong quý IV.

 

Ông Kona Haqua, giám đốc nghiên cứu của ED&F Man Holdings Ltd. ở London cho biết: “Kể từ năm 2011 khi nguồn cung arabica bị thắt chặt bởi sản lượng giảm ở Colombia và Brazil, các nhà rang xay đã chuyển hướng nghiên cứu tăng tỷ lệ robusta trong pha trộn các sản phẩm của mình. Điều này cho phép họ có thể điều chỉnh linh hoạt tùy thuộc vào chênh lệch giá”.

 

Trong khi dự trữ ở Việt Nam sụt giảm thì dự trữ trong các kho ở Sàn London lại gia tăng lên 87.100 tấn tính đến ngày 1/9, tăng 3,6% so với 2 tuần trước đó.

 

“Hiện còn rất ít cà phê trong dân”, Bloomberg dẫn lời ông Phan Hùng Anh, phó giám đốc công ty xuất khẩu cà phê tư nhân lớn nhất Việt Nam, Anh Minh Co., cho biết. “Lượng dự trữ hiện chủ yếu nằm trong tay những người có kinh tế mạnh, vậy nên giá phải lên tới khoảng 43.000 – 44.000 đồng/kg họ mới bán”. Mức giá đó tương đương khoảng 92 – 93 US cent/lb.

 

Phiên 11/9 trên thị trường London (Liffe), giá robusta ở mức 2.011 USD/tấn. Nestle SA thường sử dụng loại cà phê này làm nguyên liệu. Còn giá arabica, loại được Starbucks Corp. ưa chuông, đã tăng 66% trong năm nay, ở mức 1,837 USD/lb. Mức chênh lệch giữa 2 loại cà phê đã lên tới 1,166 USD/lb, so với chỉ 34 US cent hồi cuối tháng 12 năm ngoái.

 

Chủ tịch Ủy ban Cà phê Ấn Độ, ông Jawaid Akhtar, hôm 11/9 cho biết giá cà phê arabica và robusta có thể sẽ còn tăng thêm nữa do thiếu cung trên toàn cầu xuất phát từ hạn hán ở Brazil. Theo ông, sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2013/14 ổn định ở 145,2 triệu bao như năm trước, trong khi tiêu thụ sẽ lên tới 145,8 triệu bao.

 

Brazil, nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, đã thu hoạch 44,57 triệu bao trong năm 2014, giảm 9,3% so với 49,15 triệu bao cùng kỳ năm 2013.

 

Thời tiết Brazil năm nay diễn biến rất xấu. Cựu chủ tịch Hiệp hội Trồng trọt Karnataka, Nishant R Gurjer cho biết hạn hán kéo dài những tháng đầu năm đã ảnh hưởng lớn tới sản lượng. Những tháng khô và nóng kéo dài có thể còn ảnh hưởng tới cả mùa vụ năm 2015, khiến sản lượng năm tới có thể chỉ đạt 42-43 triệu bao.

 

Ông Akhtar dự báo sản lượng của Indonesia, nước sản xuất lớn thứ 3 thế giới, dự báo cũng sẽ giảm 14% xuống 10 triệu bao trong năm 2014, so với 11,67 triệu bao năm 2013.

 

Sản lượng của Colombia đang hồi phục sau đợt trồng lại nên dự báo sẽ tăng 25% lên 12 triệu bao trong năm nay so với 8 triệu bao năm ngoái.

 

Về vụ mùa của Ấn Độ, nước sản xuất lớn thứ 6 thế giới, mặc dù Ủy ban Cà phê dự báo vụ mùa 2014-15 sẽ bội thu với 344.500 tấn, song nông dân dự báo sẽ giảm 20% do sâu bệnh do mưa lớn kéo dài trong giai đoạn tháng 7 – tháng 9.

 

Vân Chi
 

Theo Infonet/Bloomberg

    Tên của bạn *
    Email người nhận *
    Thông điệp của bạn