Thị trường nông sản trong nước tuần đến ngày 25/8/2014

27/08/2014  

Giá lúa gạo dao động trong biên độ hẹp

Tuần qua, giá lúa gạo trong nước dao động trong biên độ hẹp so với tuần trước đó. Cụ thể, tại ĐBSCL, giá lúa khô ổn định đến giảm, trong đó lúa hạt dài (lúa loại I) giảm từ mức 4.800 – 4.900đ/kg xuống còn 4.700 – 4.800 đ/kg, lúa thường (loại II) duy trì ở wmcs 4.600 – 4.700 đ/kg.


Giá gạo nguyên liệu trong khi đó ổn định đến nhích nhẹ, với loại I làm ra gạo 5% tấm từ mức 7.400 – 7.500 đ/kg lên 7.400 – 7.550 đ/kg, loại II làm ra gạo 25% từ mức 7.200 – 7.300 đ/kg lên đạt 7.350 – 7.400đ/kg.

 

Giá gạo thành phẩm xuất khẩu không bao bì tại mạn trong tuần qua nhìn chung không thay đổi. Cụ thể, giá gạo 5% duy trì ở mức 9.150-9.250 đ/kg, gạo 15% tấm ở mức 8.700 – 8.800 đ/kg, gạo 25% tấm ở mức 8.400 – 8.500 đ/kg.

 

Giá cà phê trong tuần nhích nhẹ

 

Tuần qua, giá cà phê nước ta tăng nhẹ so với tuần trước đó. Cụ thể, đến cuối tuần qua giá cà phê nhân xô tại thị trường Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đaknong tăng từ mức 37.700 – 39.300 đ/kg (tùy địa phương) lên đạt 38.500 – 39.300 đ/kg đạt được tuần trước đó.

 

Giá cà phê xuất khẩu FOB Tp.HCM chào bán cũng tăng từ mức 1.905 USD/tấn lên đạt 1.948 USD/tấn. Mức trừ lùi chính thức của giá cà phê xuất khẩu chào bán của nước ta so với hợp đồng kỳ hạn chính giao tháng 9/2014 trên sàn London tuần qua là -40 USD/tấn.

 

Giá cao su thành phẩm ngày 25/8 tăng

 

Sáng 25/8, giá cao su thành phẩm tại Đông Nam Bộ, Tây Nguyên tiếp tục tăng 300-300 đ/kg so với ngày 22/8.

 

Giá cao su SVR 3L dao động quanh mức 30.900 – 31.100 đ/kg; SVR 20 25.400 đ/kg và SVR10 25.200 – 25.600 đ/kg; SVR 5  26.200 – 26.400 đ/kg; SVR L giá 31.000 – 31.200 đ/kg; cao su RSS1 31.600 – 31.800 đ/kg và SRR3 giá 31.100 – 31.300 đ/kg.

 

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), bước sang tháng 7 và đầu tháng 8, giá XK cao su vẫn chưa có gì khởi sắc. Giá XK cao su SVR 3L (mặt hàng chiếm khối lượng lớn nhất trong tổng số cao su XK của Việt Nam) trung bình trong 3 tuần đầu tháng 7 chỉ đạt 1.931 USD/tấn, giảm 34 USD so với mức trung bình tháng 6, và giảm 294 USD so với tháng 7-2013. Còn tính trung bình tuần đầu tháng 8, giá XK mặt hàng này đạt 1.820 USD/tấn, giảm 79 USD/tấn so với mức trung bình trong tháng 7 và giảm 509 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước.

 

Tổ chức Nghiên cứu Cao su thế giới (IRSG) dự báo, sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu năm 2014 tăng 3,4% lên 12,1 triệu tấn. Sản lượng được dự báo tăng ở Ấn Độ và Việt Nam nhưng giảm ở Thái Lan. Dư thừa cao su thiên nhiên thế giới năm 2014 lên đến 714.000 tấn. Trong khi đó, Công ty tư vấn Rubber Economic, trụ sở tại London dự báo, cao su thiên nhiên năm nay sẽ dư thừa 652.000 tấn, tạo ra lượng tồn kho cao su lớn nhất trong vòng một thập niên trở lại đây. Do đó, giá cao su trên thị trường vẫn sẽ ở mức thấp trong thời gian tới.

 

Hạt tiêu

 

Giá chào mua tiêu của một số doanh nghiệp tại Gia Lai tăng 500 đ/kg so với hôm 22/8.

 

Giá tiêu dao động trong khoảng 184.000 – 190.000 đ/kg tùy theo từng địa phương.

 

Từ cuối tháng 7 và đầu tháng 8, các đại lý nông sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thu mua hạt tiêu đen của người dân với giá 194.000-196.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với giữa tháng 7/2014 và cao nhất từ trước đến nay.

 

Các đại lý kinh doanh nông sản cho biết giá hạt tiêu ở Đồng Nai cao hơn các tỉnh Bình Phước, Bà Rịa- Vũng Tàu và Gia Lai từ 5.000 - 6.000 đồng/kg bởi chất lượng tiêu của Đồng Nai được đánh giá tốt, hạt tròn mẩy, thơm hơn so với tiêu ở các vùng khác. Tiêu đen của Đồng Nai dùng làm tiêu sọ (tiêu trắng) chất lượng cao hơn hẳn.

 

Theo Sở Công Thương tỉnh, sản lượng hạt tiêu xuất khẩu tháng 7/2014 ước đạt 900 tấn tương đương 6,8 triệu USD, tăng lần lượt khoảng 2 lần về lượng, 2,2 lần về giá trị so với cùng kỳ. Lũy kế 7 tháng năm 2014, sản lượng tiêu xuất khẩu của tỉnh ước đạt 4.500 tấn tương đương 34,2 triệu USD. Các thị trường xuất khẩu chủ yếu gồm Hoa Kỳ 20 triệu USD, Thái Lan 2 triệu USD, Anh 2 triệu USD, Thụy Điển 1 triệu USD...

 

Một số nhà vườn trồng tiêu tại các huyện Xuân Lộc và Cẩm Mỹ cho biết lượng tiêu trong dân hiện còn tồn không nhiều, trong khi nhu cầu tiêu thụ lớn nên giá tiêu liên tục tăng. Đây là năm thứ tư liên tiếp, tiêu giữ được mức giá cao. Với giá tiêu hiện nay, người nông dân lãi cao. Cụ thể, sản lượng khoảng 4 tấn/ha, sau khi trừ chi phí đầu tư cho sản xuất nông dân cũng lời khoảng 550 - 600 triệu đồng/ha/năm.

 

Hạt điều

 

Giá điều khô tại Đắk Lắc hôm nay (25/8) tăng 1000 đ/kg so với ngày 22/8.

 

Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, hiện nay giá vỏ hạt điều chưa ép đang tăng cao, nếu cùng thời điểm này năm ngoái giá vỏ chỉ khoảng 1.400 đồng/ kg thì hiện nay giá đã trên 2.000 đồng/ kg thu mua tại nhà máy.

 

Nguyên nhân khiến giá vỏ hạt điều tăng cao, theo Vinacas là do giá một số nhiên liệu (như FO hay DO) đang tăng cao, thêm vào đó nền kinh tế đang chịu nhiều ảnh hưởng bởi suy thoái kính tế. Điều này gây không ít khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN cần sử dụng nhiều năng lượng như sản xuất kính, xi măng, sắt thép, các nhà máy gạch, đốt rác thải và lò hơi,...

 

Chính vì vậy, giải pháp tìm và sử dụng nhiên liệu đốt thay thế cho dầu FO và DO với giá thành rẻ sẽ giúp cắt giảm nguồn chi phí lớn cho sản xuất của DN.

 

Với ưu điểm vượt trội và giá bán cạnh tranh, các chỉ tiêu kỹ thuật của dầu trong vỏ hạt điều (hàm lượng nước, nhiệt trị,...) hơn hẳn FO và đảm bảo các tiêu chuẩn về khí thải (công nghệ xử lý) nên nhu cầu mua vỏ hạt điều chưa ép ngày càng gia tăng.

 

Vinacas dự báo giá vỏ hạt điều còn tiếp tục tăng khi công nghệ xử lý nhiệt vỏ điều hoàn thiện và nhu cầu sử dụng vỏ hạt điều làm nhiên liệu đốt tiếp tục tăng trong thời gian tới.

 

NG.Hương

 

Nguồn: Vinanet/AgroMonitor. www.thitruongvtic.vn

    Tên của bạn *
    Email người nhận *
    Thông điệp của bạn